Tìm hiểu về nghề dịch thuật
Dịch thuật được hiểu đơn giản là chuyển đổi ngôn ngữ từ một thông điệp nguồn sang một một ngôn ngữ khác, nhưng vẫn đảm bảo cho thông điệp đó tương đồng về ý nghĩa.
1. Dịch thuật là gì?
Dịch thuật được hiểu đơn giản là chuyển đổi ngôn ngữ từ một thông điệp nguồn sang một một ngôn ngữ khác nhưng vẫn đảm bảo cho thông điệp đó tương đồng về ý nghĩa.
2. Nghề dịch thuật, cụ thể là làm gì?
Chính là nghề phiên dịch, biên dịch cho khách hàng để lấy phí dịch thuật. Biên dịch chính là dịch viết trên giấy hoặc văn bản điện tử. Còn phiên dịch chính là dịch nói. Phiên dịch lại chia thành dịch ca-bin và dịch tuần tự (hay gọi là dịch nói thông thường).
- Phiên dịch cabin là loại hình phiên dịch mà người phiên dịch ngồi trong cabin dịch đồng thời cho một cuộc hội họp đang diễn ra bên ngoài. Người dịch trong cabin đeo thiết bị tai nghe và không được đặc quyền ngưng chờ dịch mà phải dịch đồng thời với người nói tại sự kiện đang diễn ra phía ngoài cabin.
- Phiên dịch tuần tự (dịch nói thông thường) là loại hình phiên dịch mà người nói nói xong một câu hay một đoạn rồi ngưng đợi phiên dịch viên dịch xong mới nói tiếp.
Như vậy, dịch cabin khó hơn, căng thẳng hơn do phải dịch đồng thời và rượt đuổi theo người nói của sự kiện đang diễn ra bên ngoài. Và tất nhiên việc này không hề đơn giản và không phải ai giỏi ngôn ngữ cũng làm được. Nếu kém may mắn, người dịch cabin sẽ gặp người nói nhiều, nói nhanh, vấn đề chuyên môn sâu thì khá căng! Nhưng điều này đôi khi còn may mắn hơn là đôi khi người phiên dịch còn gặp một giọng tiếng Anh cực kì khó nghe của người đến từ các quốc gia mà giọng nói tiếng Anh của họ bị ảnh hưởng nặng bởi ngôn ngữ mẹ đẻ (rất lạ với người Việt).
- Biên dịch tài liệu: Tức là dịch các loại tài liệu, văn bản (trên giấy tờ hoặc các phương tiện điện tử). Biên dịch tài liệu dễ hơn nhiều so với phiên dịch vì người dịch có thời gian để có thể được trợ giúp bởi người am hiểu hoặc tra từ khó.
- Dịch công chứng hoặc có đóng dấu chứng thực chủ yếu gồm các giấy tờ tư pháp, hộ tịch có yếu tố hoặc mục đích đi nước ngoài (để hỗ trợ xin thị thực) như:
+ Giấy chứng nhận kết hôn, giấy chứng nhận độc thân, khai sinh, hộ khẩu, giấy tờ nhà đất, bản án tòa án trong nước (hoặc nước ngoài), chứng chỉ, bằng cấp Việt Nam (cần dịch sang tiếng nước ngoài) hoặc các giấy này được cấp từ nước ngoài. Đối với bằng cấp, bảng điểm, chứng chỉ có giá trị, bạn cần dịch và công chứng bản dịch sẵn vì trước sau cũng cần trong quá trình phát triển nghề nghiệp.
+ Các tài liệu khác như website, hồ sơ năng lực, hợp đồng kinh tế, quy trình sản xuất, thuyết minh bảng vẽ... nếu có hợp tác với nước ngoài hoặc để mở rộng thị trường, các doanh nghiệp cần thuê đơn vị dịch thuật chuyên nghiệp, làm sẵn để khi cần thiết là có ngay.
Nghề
3. Có phải người giỏi tiếng Anh thì sẽ phiên dịch tốt?
Câu trả lời là chưa chắc! Người xuất sắc về ngôn ngữ có nhiều khi lại dịch không bằng người ít giỏi hơn mà vững chuyên môn về lĩnh vực đang dịch. Phiên dịch là một kỹ năng, tức còn phụ thuộc tố chất của từng người. Ngoài đạt trình độ ngôn ngữ nhất định, nó còn đòi hỏi kiến thức chuyên môn và khả năng nhớ của người dịch.
Để hiểu rõ điều này, bạn thử nhờ ai đó nói một đoạn tiếng Việt chừng 50-100 chữ, sau đó bạn hãy nói lại tiếng Việt xem, sẽ rất dễ thiếu ý và từ ngữ quan trọng. Đấy là dịch từ Việt sang…Việt đấy!
4. Pháp Luật có quy định về giá cả dịch thuật không? Có!
Đó là Thông tư sô 71/2018/TT-BTC, ngày 10/8/2018 của Bộ Tài chính (Thông tư 71). Tuy nhiên thông tư này không hẳn là quy định giá dịch thuật mà là quy định chế độ chi tiếp khách nước ngoài. Do vậy thị trường dịch thuật có thể áp dụng giá cả khác nhau tùy thuộc về độ phức tạp của tài liệu, nội dung dịch thuật và trách nhiệm của người dịch.
Theo Thông tư 71, chi phí dịch thuật được áp dụng như sau:
1. Chi biên dịch:
a) Biên dịch một trong 6 ngôn ngữ chính thức của Liên hợp quốc sang Tiếng Việt (gồm: tiếng Ả Rập, tiếng Hoa, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga và tiếng Tây Ban Nha): 150.000 đồng/trang (350 từ). Như vậy "trang" nghĩa là 350 từ.
b) Biên dịch Tiếng Việt sang một trong 6 ngôn ngữ chính thức của Liên hợp quốc: 180.000 đồng/trang.
c) Đối với các ngôn ngữ ngoài ngôn ngữ chính thức của Liên hợp quốc, tùy theo mức độ phổ biến của ngôn ngữ đó trên địa bàn cơ quan, đơn vị, thủ trưởng cơ quan, đơn vị quyết định mức chi biên dịch được phép tăng tối đa 30% so với mức chi biên dịch tại điểm a và điểm b Khoản 1 Điều này.
2. Chi dịch nói (phiên dịch)
a) Dịch nói thông thường: 250.000 đồng/giờ/người, tương đương 2.000.000 đồng/ngày/người làm việc 8 tiếng;
b) Dịch đuổi (dịch đồng thời): 500.000 đồng/giờ/người, tương đương 4.000.000 đồng/ngày/người làm việc 8 tiếng;
c) Trong trường hợp đặc biệt tổ chức các hội nghị quốc tế có quy mô lớn hoặc các hội nghị song phương, đàm phán ký kết hiệp định, công ước, hội nghị chuyên ngành, đón tiếp đoàn khách hạng đặc biệt hoặc đoàn khách hạng A cần phải thuê phiên dịch có trình độ dịch đuổi cao hơn quy định tại điểm b Khoản 2 Điều này để đảm bảo chất lượng của hội nghị, thì thủ trưởng cơ quan, đơn vị chủ trì hội nghị quyết định mức chi dịch nói cho phù hợp và phải tự sắp xếp trong phạm vi dự toán ngân sách được cấp có thẩm quyền giao để thực hiện;
d) Trường hợp phải thuê phiên dịch tham gia đón tiếp đoàn khách tham dự hội nghị quốc tế, thì tùy trường hợp cụ thể, cơ quan, đơn vị chủ trì tổ chức hội nghị quyết định việc thanh toán các khoản chi phí đi lại (nếu có), phòng nghỉ, tiêu chuẩn ăn hàng ngày của người phiên dịch tối đa bằng chế độ đón tiếp đối với đoàn viên của đoàn khách nước ngoài.
3. Việc thuê biên dịch, phiên dịch tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 11 Thông tư này được thực hiện khi cơ quan, đơn vị không có người biên dịch, phiên dịch đáp ứng được yêu cầu.
Trường hợp các cơ quan, đơn vị sử dụng cán bộ của các cơ quan, đơn vị để tham gia công tác biên, phiên dịch thì được thanh toán tối đa bằng 50% mức chi biên, phiên dịch tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 11 Thông tư này. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm quyết định mức chi cụ thể trong từng trường hợp và phải được quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ của cơ quan, đơn vị.